top of page
  • Writer's pictureVPY

Đại cương về Mô hình Xoắn động

Updated: Feb 13, 2019

Bức tranh toàn cảnh





Lý thuyết về Mô hình Xoắn động được khai sinh vào những năm 1960 bởi nhà tâm lý người Mỹ Clare W. Graves. Giáo sư tâm lý này đã thực hiện nhiều quan sát và phân tích trên những mẫu đa dạng, thoạt đầu số lượng còn khiêm tốn, nhưng sau đó mở ra rất rộng. Ông cũng hợp tác và trao đổi dữ liệu với những nhà nghiên cứu tâm lý khác cùng thời (ví dụ : Harvey J.O.). Đáng tiếc là ngày nay đa số những dữ liệu ghi chép đều không còn được lưu trữ, chỉ còn những kết quả phân tích của chính Graves là vẫn còn lại (W. R. Lee, 1999a).

Lý thuyết này chia sự tiến hóa của ý thức con người thành những bậc kế tiếp nhau, được hình tượng hóa bởi những màu khác nhau, tương ứng với những giai đoạn phát triển mà mọi người đều phải trải qua. Mỗi giai đoạn là một bậc phát triển về mặt ý thức. Mỗi giai đoạn sẽ mang một hệ giá trị cốt lõi đặc thù, gọi là Vmeme.

Quan niệm về Meme đã được đặt tên bởi Richard Dawkins, nhà sinh học người Anh, trong quyển sách của ông xuất bản lần đầu tiên năm 1976, « Gien ích kỷ » (Dawkins, 2006). Trong quyển sách này, ông đã quan niệm gien là một cỗ máy sao chép. Khi một loài động vật sinh sản, nó truyền gien của mình cho thế hệ tiếp theo, và thế hệ tiếp theo lại tiếp tục sao chép. Gien là một sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa của cơ thể vật chất của con người, của « phần xác ». Tương tự như gien thể chất, meme chính là các gien tinh thần của loài người, cũng là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa của phần tinh thần của con người, thông qua nhiều giai đoạn tiến hóa liên tiếp. Meme là từ được tạo thành do sự kết hợp của chữ gene và chữ μιμήμα (đọc là |mimíma|)- có nghĩa là “bắt chước” trong tiếng Hy Lạp cổ.

Đối với Mô hình Xoắn động, loài người tiến hoá theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có một cấu trúc tâm lý đặc thù, xoay quanh một hệ thống giá trị cốt lõi, viết tắt là Vmeme (chữ V là viết tắt của Value : giá trị). Những giá trị cốt lõi này chính là nền tảng cấu trúc và tạo điều kiện cho toàn bộ cách chúng ta sống và hành động trong thế giới này. Những giá trị này nằm trong vô thức, và có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta được sinh ra với những « khuôn tinh thần » này, nhưng sự phát triển của mỗi con người cụ thể sẽ có dấu ấn cá nhân riêng. Ở đây chúng ta có thể tìm thấy một mối dây liên hệ quan trọng với những cổ mẫu mà Carl G. Jung mô tả. (Chính Jung cũng chưa bao giờ đề cập đến quan niệm của ông về bằng cách nào mà những cổ mẫu, vô thức thức tập thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác)(Stein, 1998).

​Khái niệm về Meme này được Clare W. Graves sử dụng lại khi ông xây dựng lý thuyết về Mô hình Xoắn động của mình.

Lý thuyết này đã được so sánh với nhiều lý thuyết tâm lý và xã hội khác (W. R. Lee, 1999b). Một thang đánh giá dựa trên lý thuyết này (thang SLOPES : Selected Levels of Psychological Existence Scale) đã được thử nghiệm và công nhận độ tin cậy và tính giá trị (W. L. Lee, 1983).

Mô hình Xoắn động trở nên nổi tiếng trên thế giới khoảng 30 năm sau khi ra đời, hầu hết nhờ vào hai học trò của Graves : Don Edward Beck và Christopher Cowan, trong lĩnh vực trị liệu tâm lý cũng như trong quản trị và trong cả chính trị, ngoại giao (Beck & Cowan, 2005).


Mỗi con người đều phát triển qua tám bậc ý thức

“When man is finally able to see himself and the world around him with clear cognition, he finds a picture far more pleasant... He seeks a foundation of self-respect, which will have value system rooted in knowledge and cosmic reality where he expresses himself so that all others, all beings can continue to exist.” Clare W. Graves

Clare Graves đã xây dựng được một mô hình rất « động » với nhiều Cấp bậc tồn tại (gồm tất cả là tám bậc, được hình tượng hóa bởi 8 màu khác nhau : be, tím, đỏ, xanh da trời, cam, xanh lá cây, vàng và xanh ngọc). Mỗi người đều phát triển qua tám bậc ý thức này, không phải theo kiểu tuyến tính, mà là theo kiểu xoắn ốc (Hình).


Tám bậc phát triển ý thức

Những bậc này nối tiếp nhau về mặt thời gian, nhưng cũng có thể được lặp lại : chúng ta có thể trở lại sống một bậc ý thức mình đã trải qua trước đó, tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống ảnh hưởng thế nào lên những nhu cầu và lên khả năng thích ứng của chúng ta. Mỗi bậc vượt qua bậc trước đó, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả bậc trước đó, như những viên gạch chồng lên nhau để có thể tạo thành một căn nhà. Như vậy, những bậc khác nhau có thể cùng tồn tại. Mỗi bậc đem lại những nền tảng cần thiết để xây dựng ​những bậc tiếp sau nó: chúng ta không thể nhảy bậc, cũng như không thể « lấy bớt đi » một bậc mà không làm sụp đổ hệ thống.


Về ý nghĩa của các màu sắc


Những bậc Vmeme được đặt tên theo những màu khác nhau, thay vì những con số chỉ thứ bậc. Các tác giả đầu tiên của mô hình này (Beck, Cowan) cảm nhận cách này sẽ giúp giảm đi cảm giác phân biệt đối xử khi chúng ta cố gắng tạm thời "phân loại" con người nhằm tương tác hiệu quả hơn. Những màu được chọn nói chung là ngẫu nhiên, trừ một ngoại lệ:

Nhóm các màu "nóng" - Be, Đỏ, Cam, Vàng - dành để mô tả các giai đoạn phát triển trong đó chúng ta tập trung vào cách cá nhân mình làm chủ môi trường sống. Còn các màu "lạnh" - Tím, Xanh da trời, Xanh lá cây, Xanh ngọc (Turquoise) - quan tâm nhiều hơn đến cách những nhóm người, quần thể người, hay thậm chí loài người tương tác với nhau và sống với môi trường như thế nào.


(Mời các bạn xem đoạn trích).

Nguồn: Spiral Dynamics in action (2018), trang 25.

Gần đây, có một quyển sách tạo rất nhiều tiếng vang, đang nhận được sự chú ý tích cực trên toàn cầu, và đã được dịch sang tiếng Việt: : Tái Tạo Tổ Chức (Frederic Laloux: Reinventing organizations). Tác phẩm này mô tả kỹ lưỡng những tính chất của một tổ chức Xanh ngọc. Tuy nhiên, đây là màu Teal - cũng được dịch là xanh ngọc - theo cách đặt tên của Ken Wilber cho một hệ thống tích hợp Spiral dynamics theo cách riêng của Ken. Điều chúng ta cần nhớ là những đặc điểm của hệ giá trị màu Teal mà Ken Wilber và Frederic Laloux sử dụng tương đương với Vmeme màu Vàng của hệ thống Mô hình Xoắn động mà chúng ta đang bàn ở đây.



Tái Tạo Tổ Chức (Frederic Laloux: Reinventing organizations) NXB Thế Giới, 2018.

Tuy các tác giả nói rằng việc chọn màu đặt tên cho các bậc Vmeme là tình cờ theo hứng, nhưng một số người nghiên cứu thích tìm ra ý nghĩa của chúng, ví dụ:

- Màu Be: như những trảng cỏ khô, nơi điều kiện SINH TỒN là rất khắc nghiệt, đấu tranh sinh tồn là không khoan nhượng

- Màu Tím: như những làn khói hoặc màu của những dung dịch huyền bí mà các thầy phù thuỷ xa xưa thường sử dụng cho những vụ phù phép của mình

- Màu Đỏ: như lửa, như máu nóng

- Màu Xanh da trời: màu trời cao, gợi cảm xúc thiêng liêng vượt ngoài con người nhỏ bé, cũng là màu tượng trưng cho hoà bình

- Màu Cam: như ánh thép nóng chảy, tượng trưng cho sự phát triển của công nghiệp

- Màu Xanh lá cây: như trái đất xanh, như rừng, là màu của mọi thông điệp về cân bằng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

- Màu Vàng: như ánh sáng

- Màu Xanh ngọc (turquoise): ánh sáng huyền bí của những tinh vân trong vũ trụ, của những giấc mơ...


Còn bạn, bạn có liên tưởng gì khi thử cảm nhận các màu này?





1,687 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page