top of page

Lòng từ

Với mô tả về Vmeme Xanh ngọc: “sống thường trực trong một dòng cảm xúc yêu thương có đối tượng là tất cả”, các tác giả Graves, Beck và Cowan sử dụng các từ khoá là compassion, compassionate love. Compassion cũng là từ tiếng Anh thường được dùng để chỉ về Lòng từ theo góc nhìn của Phật giáo. Cùng một cảm xúc yêu thương có đối tượng là tất cả dường như được nhắc đến trong nhiều tôn giáo khác nhau, và sự tương đồng là rất lớn, nếu không nói là đều là một.

Linh mục Dom Laurence Freeman, linh hướng và giáo sư của World Community for Christian Meditation và Dalai Lama, người đại diện của Phật giáo Tây Tạng, từng có một cuộc gặp gỡ nhiều ngày tại Đại học Middlesex, Luân Đôn, Vương quốc Anh. Họ đã cùng trao đổi về những điều tương đồng được tìm thấy giữa hai tôn giáo.

“Hình ảnh ẩn dụ mà Phúc Âm sử dụng với “Mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như trên người lành” rất quan trọng. Đấy là một ẩn dụ tráng lệ về lòng từ bi. Nó làm cho ta hiểu được lòng từ bi thì vô tư và toàn diện.

Khi đọc các đoạn này, tôi thấy Phúc Âm đặt nặng sự thực hành lòng khoan dung và đề cao tình cảm vô tư không thiên vị đối với mọi tạo vật.

Theo ý kiến của tôi, để triển khai năng lực khoan dung đối với mọi người, và đặc biệt đối với một kẻ thù, điều kiện quan trọng tiên quyết là tiếp nhận mọi người với tính bình đẳng. Ngay trước buổi họp này, tôi đã có một cuộc trao đổi ngắn với cha Laurence. Cha đã giải thích với tôi rằng trong thần học Kitô giáo, người ta cho rằng mọi con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bản tính Thiên Chúa. Điều này theo tôi dường như hoàn toàn tương tự với ý niệm Phật tính trong Phật giáo".

Good Heart cover 2016.jpg

Dalai Lama: “The Good Heart: A Buddhist Perspective on the Teachings of Jesus”, Wisdom Publications (1998).

“Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về Chúa Jesus”, Vĩnh An dịch, NXB Thiện tri thức (2003).

Ba cấp độ của Lòng từ

Chúng ta có thể tham khảo thêm góc nhìn của Dzongsar Khyentse Rinpoche, tác giả quyển sách nổi tiếng “What Makes You Not a Buddhist”, NXB Shambhala (2008), qua một bài diễn thuyết. [1]

Bài diễn thuyết có mô tả rõ nét ba cấp độ của Lòng từ.

Có lẽ, với Vmeme Xanh ngọc, cấp độ Lòng từ ở đây không đơn giản là

Sự thấu cảm, lòng yêu thương tất cả chúng sinh[2]… vốn được giảng dạy như điều cốt lõi cần tu tập và thực hành của rất nhiều tôn giáo và cả những nhóm ngoài tôn giáo (điển hình của Vmeme Xanh lá cây), tạm gọi là Cấp độ lòng từ thứ nhất, cấp độ lòng từ “thông thường”.

Lòng từ cảm nhận cho tất cả sự vật, hiện tượng chịu ảnh hưởng của thời gian, đến từ sự hiểu thấu bản chất hiện-thực-tương-đối[3] của chúng: tất cả đều hợp thành rồi lại tan rã (từ dùng quen thuộc với những bạn đọc có hiểu biết về Phật giáo: vô thường), tất cả đều phụ thuộc vào quy luật nhân quả, bởi chúng đều do nhiều yếu tố hợp thành (hữu vi), dưới một tập hợp các điều kiện nhất định (nhân duyên), và dĩ nhiên khi các điều kiện này thay đổi thì chúng sẽ không còn tồn tại nữa, hay còn có thể xem là bị chết, bị tiêu diệt.

tạm gọi là Cấp độ lòng từ thứ hai.

Ví dụ: Lòng từ cấp độ hai biểu hiện bằng sự cảm thông và hành vi chia buồn không phân biệt với một cái chết, hay với một đám cưới, hay với sự kiện một đứa trẻ sinh ra đời, vì cả ba điều này đều mang cùng những đặc tính như vừa mô tả trên đây. Thậm chí cả , cũng thuộc nhóm đối tượng của cấp độ lòng từ thứ hai này. Chúng ta cảm thương cả cho chúng, vì chúng cũng hoàn toàn tương đối, cũng bị chi phối bởi luật nhân-quả, cũng đủ điều kiện thì được hợp thành, và chắc chắn không trường tồn. Cấp độ lòng từ thứ hai này đã thường nằm ngoài tầm thấu hiểu của đa số chúng ta. Ngay cả những người đã hiểu cũng không dễ để luôn luôn sống với hiểu biết này, bởi các phản ứng tự vệ trong tâm thức luôn có khuynh hướng khiến chúng ta tạm quên đi.

Một Xanh ngọc cực thịnh dường như sống với cả cấp độ lòng từ thứ ba: một Lòng từ không nhắm vào đối tượng nào cả. Theo những nhà nghiên cứu Phật học, cấp độ lòng từ thứ ba này chỉ có thể được làm chủ hoàn toàn bởi một người đã giác ngộ (enlightened being), và những người chưa giác ngộ không thể hoàn toàn hiểu được điều này. Chính người đã giác ngộ cũng không thể giải thích cho người chưa giác ngộ hiểu. Vậy, chỉ có thể tạm thời mô tả (một cách rất thiếu sót) Lòng từ cấp độ thứ ba qua một ẩn dụ:

“Khi bạn đã sống với Lòng từ cấp độ thứ hai, mọi sự vật hiện tượng đều trở nên thú vị - kể cả những sự kiện buồn/cảm xúc tiêu cực/đau khổ theo cảm nhận của chúng sinh. Bạn sẽ có thái độ sống nhẹ nhõm (light-hearted). Nhưng đến Lòng từ cấp độ thứ ba, giai đoạn nhẹ nhõm và thú vị với mọi thứ đồng thời xem nhẹ mọi thứ đã qua. Giờ đây bạn như một người mẹ ân cần chơi với con mình, giúp nó xây dựng một lâu đài bằng cát. Người mẹ toàn tâm toàn ý giúp nó xây lâu đài bằng cát ấy, chơi với đứa con với tất cả lòng yêu thương.

Với cấp độ lòng từ thứ nhất và thứ hai, luôn còn tồn tại nhiều hoặc ít sự ngạo mạn, “Tôi đang trải lòng từ ra cho bạn/ cho con người khổ đau tội nghiệp/ cho sự vật vô thường này”. Lòng từ cấp độ thứ ba không có ngạo mạn, không có Tôi, không có Đối tượng”.          

Dzongsar Khyentse Rinpoche.

 

[1] Bài giảng của Dzongsar Khyentse Rinpoche: A teaching on Compassion. Dzongsar Khyentse Rinpoche. Auckland, New Zealand, July 29, 2017. https://www.youtube.com/watch?v=KfqLB7wa61U.

[2] Nguyên văn từ dùng của Dzongsar Khyentse Rinpoche: mọi chúng sinh hữu tình (all sentient beings).

[3] Thông thường, chúng ta được đọc trong những tài liệu thuộc Phật học những mô tả về bản chất ảo của mọi sự vật hiện tượng. Cách sử dụng từ mô tả “ảo” khá thường gặp. Nhưng đối với tôi, cách mô tả của Dzongsar Khyentse Rinpoche rằng mọi sự vật, hiện tượng đều là hiện-thực-tương-đối (relative reality) có vẻ chính xác hơn, dễ hiểu hơn (Ý kiến riêng của tác giả).

Các bậc thuộc về Tầng thứ nhất của Tâm thức (nửa đầu của Xoắn động) chưa đạt đến được cả cấp độ thứ nhất của Lòng từ (có đối tượng là MỌI chúng sinh hữu tình).

 

Ví dụ:

  • Vmeme Xanh da trời có lòng thương xót với những người khốn khổ, tuy nhiên việc giúp đỡ mang đậm màu sắc đạo đức, là “việc phải làm”. Việc thiện khi được thực hiện sẽ đem lại tự hào, nếu không thực hiện sẽ có sự xấu hổ, vốn là những cảm xúc cho thấy Lòng từ này không thực sự trong trẻo mà phần lớn là một phương tiện để cái Tôi cảm nhận là “Tôi làm đúng”. Chúng ta thấy rõ ở đây sự phân biệt rạch ròi Thiện/Ác, Đúng/Sai điển hình của Xanh da trời. Lòng từ này thực ra không phải là lòng từ, và chúng ta sẽ dễ dàng khẳng định điều này khi tận mắt quan sát thấy Xanh da trời từ chối giúp đỡ một người không cùng đức tin với họ, thậm chí có thể gây chiến và giết chết đối phương. 

  • Vmeme Xanh lá cây cũng “nổi tiếng” vì tình yêu thương đại đồng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội sẽ từ chối “về phe” những kẻ độc tài, nhiều người Mỹ ở Vmeme Xanh lá cây không thể yêu thương Donald Trump, những người ăn chay nổi giận với những người ăn thịt, vân vân. Sự phân biệt vẫn còn rất rõ, “lòng từ” mà họ cảm thấy có phân biệt là đối tượng xứng đáng hay không xứng đáng.

 

Vmeme Vàng có thể thực hành tốt và thực sự có được cấp độ thứ nhất của Lòng từ, và thậm chí cấp độ thứ hai. Tuy nhiên, vì chưa sống (thường trực) trong trải nghiệm thoát khỏi cái Tôi, là Một với tất cả, nên Vmeme Vàng vẫn chưa thực sự chạm đến được Lòng từ cấp độ thứ ba.

Theo nhận định của tôi, để có được thực sự Lòng từ cấp độ thứ ba, một cá nhân chắc chắn phải đạt mức độ tiến hoá từ Vmeme Xanh ngọc trở lên. Nhưng tôi không dám khẳng định chắc chắn Vmeme Xanh ngọc đã phải có được điều này.  Theo Dzongsar Khyentse Rinpoche, Lòng từ cấp độ thứ ba chỉ có thể có ở những bậc đã giác ngộ. Vậy, cấp độ này sẽ là tương ứng với Vmeme nào, Xanh Ngọc, San hô hay sau đó nữa?

bottom of page