top of page
  • Writer's pictureVPY

Người đầu tiên phiêu lưu theo đường xoắn

Updated: Feb 13, 2019



Đó là mùa thu năm 1952.

Clare w. Graves, giáo sư danh dự bộ môn Tâm lý, Union College, Schenectady, New York, ngồi trong phòng làm việc của mình trong sự bất bình tràn ngập. Người đàn ông gầy gò với bộ não nhanh nhẹn, đầy nhiệt tình và phong cách dạy vô cùng hùng biện này hiện đang đứng trước một điểm quan trọng trong sự nghiệp. Ông thấy mình không còn có thể xuất hiện trở lại trong những phòng học, làm nhân vật trung gian chạy đi chạy lại giữa những trường phái tâm lý mâu thuẫn nữa. Sau khi lần lượt dạy cho sinh viên những quan điểm đa dạng của biết bao nhiêu trường phái từ Sigmund Freud, đến B.F. Skinner, Karl Rogers và vân vân... đa dạng và phần nào phủ định lẫn nhau, thể nào ông cũng vấp phải câu hỏi: "Thế thì thưa giáo sư, trường phái nào mới đúng? "


Ông chẳng khác nào người quan sát cảnh tượng cả đám người mù sờ voi, và cố gắng giúp họ đồng ý với nhau về một bức tranh toàn cảnh nào đó. Không ai có thể đi đến đồng ý về bức tranh chung. Fan của mỗi trường phái trong tâm lý học đều tin ắng rằng cái phần họ sờ thấy chính là nguyên con voi. Họ dường như đều có bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình, và đều có thể gọi ra 500 anh em, những người tin tưởng nhiệt thành có thể cùng họ chiến đấu vì "sự thật".


"Thế này là thế nào?", Graves tự hỏi. "Nếu cái ngành tâm lý này có một chút xíu chính trực nào thì nó hoặc phải đối diện với mớ bòng bong này và giải quyết nó, hoặc là đóng lại cho rồi." Ông viết rằng mình đã ngán đến tận cổ toàn bộ cuộc diện này, bởi ông cho rằng các nhà tâm lý, hay nói chung ai cũng vậy, phải biết hành xử nhất quán một tí chứ. Các trường phái đáng ra có thể dành thời gian của mình vào những thứ tử tế hơn là giận dữ công kích lẫn nhau và loay hoay phòng thủ. Ông biết, hoặc ông phải tái định khung được toàn bộ vấn đề và tìm được một cách mới nhằm kết nối mọi sự khác biệt vào một hệ thống có thể tích hợp được tất cả, hoặc bỏ nghề luôn.


Cuối cùng ông đã không bỏ nghề. Thay vào đó, ông đón nhận nhiệm vụ lần theo vết chân phát triển tâm lý của loài người. Ông bắt đầu một cuộc nghiên cứu chưa từng có trước đây, giàu sáng tạo và thật mở. Điều ông thực hiện là một nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ, thu thập câu trả lời từ nhiều ngàn con người cho câu hỏi sau đây: Bạn nghĩ một con người lành mạnh và trưởng thành sẽ trông ra sao, có những đặc điểm nào?


Graves có dịp được quan sát con người có thay đổi hay không, thay đổi khi nào và về hướng nào. Ông thu thập về một đống dữ liệu khổng lồ và bắt đầu tìm hiểu xem có lý thuyết tâm lý nào có thể giải thích những patterns ông bắt đầu quan sát thấy hay không. Thoạt tiên, ông cố gắng sắp xếp hàng ngàn quan điểm thu thập được theo hệ thống tháp nhu cầu của bạn thân ông, Abraham Maslow, khi đó đang dạy ở Brandeis University ở Boston. Ông bị shock khi thấy nhiều dữ liệu của mình không thể xếp vào đâu cả, có những người phát triển rành rành là vượt khỏi đỉnh chóp của tháp nhu cầu Maslow. Dùng thử nhiều hệ thống cổ xưa và hiện đại khác cũng không đem lại kết quả mĩ mãn.


Rõ ràng là những có những con người thay đổi nhiều, những người khác lại không. Có người thì chỉ nể nang và làm theo nhân vật quyền lực nhất, có người thì lại chỉ dè chừng cộng đồng của họ, nơm nớp lo âu "người ta nghĩ gì". Đống dữ liệu khổng lồ của ông ngày càng có vẻ hỗn độn và kỳ lạ. Ông lo rằng có lẽ mình đã đi đến đoạn cuối của cuộc đời nghiên cứu rồi, và có thể là đoạn cuối của cả sự nghiệp giảng dạy nữa.


Vào tháng chín năm 1961, khi đang chuẩn bị soạn bài cho năm học sẽ mở màn mùa thu ấy, bất thình lình Graves bước đến bảng đen, chộp lấy một mẩu phấn. Không chút lưỡng lự cũng như không tư duy kiểu Ý thức, ông bắt đầu vẽ một mô hình phức tạp, xoắn, trông như sợi DNA xoắn kép vậy. Đó là mô hình Spiral Dynamics - cái mô hình mà ông cần, có thể giải thích toàn bộ dữ liệu nghiên cứu.


Nói thật ngắn gọn, tâm hồn chúng ta luôn thay đổi. Bộ não của chúng ta có thể tự lập trình lại. Xã hội không tĩnh mà luôn động. Tiến hoá là một phần của bản chất loài người.


---

Nguồn: Don Beck & Graham Linscott. The crucible - Forging South Africa’s Future - In search of a template for the World, Center for Human Emergence (1991), trang 30 - 32.




168 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page